Tác giả: Mobifone5AM

  • Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023

    Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023

    Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 2976/QĐ-BCT về việc phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023.

    Theo đó, Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình tại văn bản số 7490/EVN-KH+TTĐ+KTSX+PC ngày 30/12/2022 về kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2023 như sau:

    Tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2023 là 284,5 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 137,1 tỷ kWh và mùa mưa là 147,4 tỷ kWh.

    Thông số đầu vào cơ bản để lập Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 bao gồm: tốc độ tăng trưởng GDP, điện thương phẩm năm 2023 được xác định tại phụ lục 1 ban hành kèm theo quyết định này.

    Sản lượng mua bán điện thực tế của các nhà máy điện (theo hợp đồng mua bán điện, phương án giá điện) sẽ được xác định theo các quy định liên quan về giá điện và thị trường điện. Các đơn vị phát điện có trách nhiệm chủ động thực hiện công tác chuẩn bị phát điện bao gồm đảm bảo công suất sẵn sàng của các tổ máy và thu xếp nguồn nhiên liệu sơ cấp (than, khí, dầu) đủ cho phát điện hàng tháng trong năm 2023.

    EVN chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của số liệu/thông số đầu vào và kết quả tính toán Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023, đảm bảo tuân thủ đúng các cam kết tại hợp đồng/thỏa thuận thương mại mua bán điện, cung cấp nhiên liệu đã ký kết, đặc biệt là các hợp đồng/thỏa thuận thương mại với các dự án nhà máy điện được đầu tư theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), chịu trách nhiệm toàn diện trong trường hợp xảy ra tranh chấp theo các điều khoản đã cam kết hoặc để phát sinh các nghĩa vụ pháp lý và tài chính bất lợi cho phía Việt Nam.

    Bộ Công Thương đã phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023

    Về tổ chức thực hiện, Bộ Công Thương yêu cầu EVN có trách nhiệm:

    Phát huy vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm chính trong công tác đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân với chất lượng tốt, ổn định, tin cậy và an toàn; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

    Bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2023. Trường hợp có những ảnh hưởng bất thường đến việc đảm bảo an ninh cung cấp điện, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương để xem xét, chỉ đạo.

    Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị các phương án đảm bảo cung cấp điện cho các dịp nghỉ lễ, Tết và các sự kiện chính trị, văn hóa lớn trong năm 2023.

    Lập phương thức vận hành và huy động hợp lý các nguồn điện (bao gồm cả nguồn năng lượng tái tạo) trong hệ thống điện quốc gia để đảm bảo cung ứng đủ điện trên cơ sở nguyên tác minh bạch, công bằng, tối ưu chi phí toàn hệ thống, phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật của lưới điện và các quy định pháp luật.

    Đảm bảo công tác quản lý, bảo dưỡng các tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định; vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc – Nam. Bố trí lịch sửa chữa nguồn điện phù hợp, sử dụng tiết kiệm nguồn nước thủy điện, nâng cao khả dụng các nguồn điện nhất là vào cao điểm mùa khô ở miền Bắc.

    Phối hợp với khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện lớn chuẩn bị kịch bản, kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện.

  • Năm 2023 sẽ chi hơn 19.200 tỷ xây dựng các dự án truyền tải điện

    Năm 2023 sẽ chi hơn 19.200 tỷ xây dựng các dự án truyền tải điện

    Trong năm 2023, tổng giá trị đầu tư xây dựng của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT) khoảng 19.238 tỷ đồng, phấn đấu khởi công 35 dự án, hoàn thành và đưa vào vận hành 44 dự án lưới điện…

    Theo báo cáo của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2023, doanh nghiệp này sẽ chi khoảng 19.238 tỷ đồng, phấn đấu khởi công 35 dự án, hoàn thành và đưa vào vận hành 44 dự án lưới điện.

    1. Đầu tư lớn để nâng cấp lưới điện 

    EVN NPT sẽ tập trung vận hành an toàn, ổn định, tin cậy các đường dây và trạm biến áp, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc – Nam trong bối cảnh tiếp tục truyền tải cao để cung cấp điện trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

    Doanh nghiệp này cũng sẽ chuẩn bị vật tư, thiết bị dự phòng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư thiết bị, chủ động phát hiện, ngăn ngừa sự cố, nâng cao độ tin cậy và giảm tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải.

    EVN NPT cũng đang dồn lực bảo đảm tiến độ, khối lượng và chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đầu tư xây dựng đối với các dự án trọng điểm.

    Cụ thể, bảo đảm tiến độ hoàn thành các công trình quan trọng nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và cung cấp điện như: Đường dây 500 kV Nho Quan – Phủ Lý -Thường Tín; các đường dây đấu nối sau các trạm biến áp 500 kV Đức Hòa, Chơn Thành, Long Thành; đường dây 220 kV Chơn Thành-Bến Cát; các trạm biến áp 220 kV Văn Điển, Khu kinh tế Nghi Sơn, Vũng Áng, Phố Cao; lắp đặt tụ bù ngang trên hệ thống điện miền Bắc.

    Bảo đảm tiến độ các công trình đấu nối, giải tỏa công suất các nguồn điện như đường dây 220 kV Hải Dương-Phố Nối, đường dây 500 kV Sông Hậu-Đức Hòa, các đường dây đấu nối giải tỏa công suất các nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4.

    Các công trình phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo như nâng công suất các trạm biến áp 500 kV Pleiku 2, Đăk Nông; các trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu, Duyên Hải, Năm Căn; các đường dây 22 0kV Nha Trang-Tháp Chàm, Quảng Ngãi-Quy Nhơn…; các công trình giải tỏa công suất các nguồn thủy điện khu vực Tây Bắc và mua điện Lào; lắp đặt tụ/kháng bù để bảo đảm điện áp khu vực miền Bắc.

    Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2023, EVN NPT và các đơn vị sẽ tập trung triển khai sớm công tác chuẩn bị đầu tư và thỏa thuận tuyến, mặt bằng đối với các dự án đầu tư xây dựng để có đủ thời gian cho các giai đoạn tiếp theo. Thực hiện quản lý chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ lập và trình duyệt, chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật.

    Nâng cao chất lượng công tác tư vấn, yêu cầu các công ty tư vấn thiết kế cam kết chất lượng, tiến độ của các dự án đầu tư xây dựng ngay từ những ngày đầu, quý đầu của năm 2023.

    “TẬP ĐOÀN MẸ” LO LỖ NẶNG TRONG NĂM 2023

    Trong báo cáo vừa gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị này cho biết, ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỉ đồng.

    EVN thậm chí có thể lỗ nhiều hơn số liệu nói trên nếu như không thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí đầu vào, vận hành tối ưu hệ thống điện.

    Nguyên nhân lỗ lớn năm qua chính là thông số đầu vào tăng mạnh (giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới) và chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện.

    Năm 2022 chứng kiến giá than tăng phi mã, gấp 6 lần so với đầu năm 2021 và gấp khoảng hơn 3 lần so với đầu năm 2022. Kéo theo đó, chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu cũng lên tới 3.500-4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân là 1.864 đồng/kWh.

    Còn theo báo cáo mới nhất của EVN, doanh nghiệp này đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 còn u ám hơn năm qua rất nhiều. Theo đó, năm nay, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỉ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành.

    Trong đó, 6 tháng đầu năm EVN dự kiến lỗ 44.099 tỉ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỉ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỉ đồng.

    Ông Dương Quang Thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN yêu cầu EVNNPT cũng như các đơn vị thuộc tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần cùng Tập đoàn hướng tới mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số. Trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ của EVN NPT trong kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số của Tập đoàn.

    Tích cực triển khai ứng dụng thành tựu của cuộc các mạng 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh để cải thiện các chỉ tiêu kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động, trong đó tập trung vào áp dụng các công nghệ, thiết bị mới, hiện đại trong quá trình quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành.

    Áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và phần mềm, công cụ quản lý tiến độ, khối lượng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Chủ động xây dựng và thực hiện nhiệm vụ cụ thể, đặc thù của Tổng công ty về Chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng, trong đó việc phát triển và xây dựng hạ tầng số tại EVN NPT phải đảm bảo đồng bộ với hạ tầng của EVN và các đơn vị. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

  • Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia

    Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia

    Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do những biến động chung của nền kinh tế nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn hết sức nỗ lực cung cấp điện cho sự phát triển của kinh tế-xã hội và nhu cầu của nhân dân.

    Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Về mực nước các hồ thủy điện, đến ngày 11/5/2023 đã có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết bao gồm: Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4; có 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20% như Sơn La (2 ngày đầy tải), Tuyên Quang (2 ngày), Thác Bà (2 ngày),… và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của Quy trình vận hành liên hồ chứa.

    Đặc biệt là các hồ thủy điện khu vực miền bắc, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua (tính đến ngày 11/5/2023).

    Riêng tháng 4 và đầu tháng 5, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận định với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa cạn năm 2023. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung Bộ được dự báo thấp hơn từ 15-35%, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 15-40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn sẽ diễn ra nghiêm trọng.

    Ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa cạn năm 2023

    Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào các mùa nắng nóng và tháng 5, 6, 7. Ngày 6/5/2023, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần và ngay sau dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới gần 895 triệu kW giờ, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5/2022.

    Với tinh thần tích cực thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 và Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã có văn bản 2466/BC-EVN ngày 15/5/2023 kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn với các nội dung như sau:

    • Đẩy mạnh truyền thông về tình hình cung ứng điện khó khăn trong năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân biết, cùng chia sẻ khó khăn và tăng cường thực hành tiết kiệm điện.

    Nhân viên Điện lực tuyên truyền tiết kiệm điện tới các em học sinh và phụ huynh học sinh tại tỉnh Yên Bái

    • Tăng cường các giải pháp về tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR): các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 10% so với cùng kỳ; các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 5% so với cùng kỳ; các đơn vị chiếu sáng công cộng áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 50% so với cùng kỳ.
    • Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào ban đêm, tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của đơn vị điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.
    • Chỉ đạo/thông báo đến các khách hàng sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn, thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR) theo Thông tư số 23/2017/TT-BCT ngày 16/11/2017 của Bộ Công thương, khi có thông báo của đơn vị điện lực; tăng cường công tác truyền thông đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt để các hộ chủ động giảm nhu cầu tiêu thụ, không đặt nhiệt độ điều hòa dưới 26 độ C.
    • Thường xuyên theo dõi trang https://sudungdien.evn.com.vn/ để cập nhật thông tin về tình hình tiêu thụ điện/tháng/năm của các cơ quan hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để điều hành công tác tiết kiệm điện trên địa bàn.
    • Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020, có biện pháp xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không tuân thủ.
    • Chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực xây dựng kế hoạch và thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện trên địa bàn theo Điều 5 và Điều 6 của Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 9/9/2020 của Bộ Công thương về quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.

    Trước đó, vào ngày 28/4/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Công thương về tình hình nguy cấp về cung ứng điện, trong đó có nêu trường hợp các tình huống cực đoan, những ngày nắng nóng kéo dài, mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu… thì hệ thống điện miền bắc sẽ gặp tình trạng rất khó khăn về cung cấp điện.

    Bên cạnh đó, cũng tại văn bản này, EVN cũng kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cấp bách để khắc phục các khó khăn về cung cấp điện, không chỉ với mùa nắng nóng năm 2023 mà còn đối với những năm tới đây.